Nhiều người cho rằng bắn súng là một môn thể thao tốn kém. Trên thực tế, tờ The Fiscal Times xếp hạng bắn súng là một trong 7 môn thể thao Olympic tốn chi phí đào tạo nhất, với mức giá từ 700.000 đến 1,5 triệu USD mỗi năm. Trung bình mỗi ngày, các xạ thủ chuyên nghiệp sử dụng khoảng 500 đến 1.000 viên đạn, với mức giá 16 USD cho 25 phát bắn, Kim Rhode, người giữ kỷ lục thế giới với 5 lần liên tục đoạt huy chương tại 5 kỳ thế vận hội liên tiếp, chia sẻ. Điều này có nghĩa, chi phí dành cho một ngày luyện tập đầy đủ là khoảng từ 5.000 USD đến 7.000 USD. Bên cạnh đó, giá của một khẩu súng có thể dao động từ 6.000 USD đến 300.000 USD.
Môn thể thao chỉ dành cho giới thượng lưu
Kunal Chahar, một người mới bắt đầu sự nghiệp xạ thủ tại Ấn Độ, có vẻ không hài lòng. "Tôi đang luyện tập tại Trường Bắn Karni Singh dưới sự huấn luyện của BS Sodhi. Tôi ngưỡng mộ ông và ông là hình tượng của tôi. Tuy nhiên, tôi đang rơi vào một cái bẫy. Bắn súng là môn thể thao dành cho giới thượng lưu", anh nói.
Người đàn ông này chia sẻ, anh cảm thấy may mắn khi đủ khả năng trả chi phí đào tạo dưới sự hỗ trợ kinh tế từ phía gia đình. "Tôi tiêu 135 USD mỗi ngày, một nửa cho huấn luyện viên và một nửa là tiền đạn dược. Bên cạnh đó, tôi phải chuẩn bị súng riêng và nó rất đắt. Ngoài ra, tôi cũng mất một số tiền nhất định khi luyện tập tại trường bắn", anh nói.
Chahar cho hay, không phải ai cũng đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, nếu ở trong quân đội, chính phủ sẽ hỗ trợ đầy đủ cho các xạ thủ.
"Điều tồi tệ nhất ở Ấn Độ là chúng tôi không thể nhập khẩu súng. Năm ngoái, tôi đến Italy để luyện tập và mua một khẩu súng tại đó với giá khoảng 6.000 USD. Khi trở về, tôi hỏi giá của một khẩu tương tự. Nó đắt gấp 4 lần mức giá tại Italy", anh nói.
Khác với Chahar - người sinh ra trong một gia đình giàu có và đủ khả năng chi trả cho chi phí đào tạo và tự tin theo đuổi niềm đam mê - Deepak Rana, sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại thị trấn Nagloi (Ấn Độ), buộc phải từ bỏ sau vài tháng theo đuổi.
“Tôi ngưỡng mộ xạ thủ Gagan Narang. Tôi chọn môn thể thao này bởi tôi thực sự thích nó. Tôi cũng mơ một ngày nào đó có thể mang huy chương về cho đất nước. Tuy nhiên, tôi thực sự không đủ khả năng chi trả. Tôi sẽ theo đuổi tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Môn thể thao này quá đắt”, anh nói.
Đắt hay rẻ tùy thuộc vào lựa chọn
Theo News 18, những người trong quân đội may mắn hơn khi được hỗ trợ đầy đủ chi phí, từ vũ khí đến đạn dược. Tuy nhiên, xạ thủ Samresh Jung cho rằng chi phí bao nhiêu phụ thuộc vào loại hình mà người chơi chọn.
"Nếu bạn chọn súng hơi hạng nhẹ hoặc súng ngắn hơi, giá cả khá phải chăng. Bạn có thể đi từ dưới lên. Một khi đã được đào tạo, trung tâm sẽ cung cấp cho bạn một số thiết bị", ông giải thích lý do tại sao bắn súng không phải là môn thể thao quá tốn kém.
Hơn nữa, người đàn ông này nhấn mạnh, tuy bắt đầu khó khăn với những khoản chi phí khá nặng, nhưng khi đã là một phần của đội tuyển quốc gia, mọi chuyện sẽ trở nên trơn tru.
"Tôi không nghĩ bắn súng chỉ dành cho tầng lớp ưu tú. Tôi không thuộc tầng lớp đó, cũng không đến từ một gia đình rất giàu có. Nếu chúng ta để ý những xạ thủ giành huy chương gần đây, tôi nghĩ họ cũng vậy. Những người có niềm đam mê cháy bỏng, luôn cho một thứ gì đó trong người luôn thôi lúc họ đoạt lấy", Jung nói.
Lý giải về sự không phổ biến của bộ môn thể thao này, xạ thủ người Ấn Độ cho hay, cơ sở vật chất thiếu thốn là nguyên nhân chính. Ngoài ra, giữ súng không có giấy phép bị coi là một hành vi phạm tội ở đất nước này.
"Lấy giấy phép sử dụng là một nhiệm vụ khó khăn đối với mọi xạ thủ", ông chia sẻ.
Phổ biến tại Mỹ
Tại Mỹ, bắn súng khá phổ biến bởi trường bắn mở cửa cho mọi người. Cá nhân cũng có thể dễ dàng sở hữu một khẩu súng hoặc thuê tại trường bắn. Yêu cầu duy nhất là phải từ 18 tuổi trở lên (hoặc có người giám hộ pháp lý). Bên cạnh đó, họ cũng phải ký tên vào giấy khước từ trước khi bắt đầu bóp cò.
Các trường bắn công khai cho thuê súng với mức giá khá khiêm tốn. Chi phí mỗi loại đạn là khác nhau. Tuy nhiên, loại 9x19 mm thường có sẵn và có giá khoảng 15 USD cho 15 viên tại các cửa hàng đồ thể thao hoặc 18 USD đến 25 USD tại hầu hết các trường bắn.
Nếu một người mang theo sẵn súng, bảo vệ tai và mắt, họ có thể chỉ tốn chưa đến 50 USD cho một hộp đạn 9 mm gồm 50 viên và một giờ tại trường bắn trong nhà. Lệ phí cho trường bắn ngoài trời thậm chí rẻ hơn, khoảng 6,5 USDcho 3 giờ.
Chi phí thuê súng tùy thuộc vào loại và thấp nhất đối với súng ngắn. Các loại vũ khí tự động giá thuê cũng khá rẻ nhưng chi phí có thể tăng nhanh chóng, đến hàng trăm USD, tùy thuộc vào số lượng phát bắn. Thuê bảo vệ mắt và tai khoảng dưới 3 USD mỗi lần.
Khách nước ngoài sử dụng súng ngắn có thể thuê dịch vụ trọn gói đặc biệt với giá dưới 20 USD để được hướng dẫn và hỗ trợ. Đối với người địa phương, họ có thể trở thành hội viên của các trường bắn trong nhà với chi phí khoảng 200 USD với mỗi người và giảm giá với cả gia đình. Đối với những người bắn súng hơn 8 đến 10 lần trong một năm, trở thành hội viên theo năm sẽ rẻ hơn trả theo giờ.
Tại Việt Nam, để trang bị cho một vận động viên bắn súng, ngoài số tiền mua súng, giao động từ 30 đến 100 triệu, kinh phí tốn kém nhất là đạn. Trừ các môn súng hơi đạn bằng chì đúc, đa số các loại đạn nổ đều đắt, từ vài nghìn đến hàng chục nghìn đồng một viên. Mỗi buổi tập, các vận động viên có thể bắn hàng trăm viên đạn nên có thể tốn nhiều triệu đồng.
Kim Ngân và Hà Vân